RSS

Vì sao bồn cầu ở Mỹ không được trang bị vòi xịt? Lý do sẽ khiến bạn ngạc nhiên

19:23 26/10/2023

Phiên bản ban đầu của chiếc vòi xịt thật ra không có hình dạng vòi xịt mà nó là một chiếc bồn tương tự bồn cầu, bên trong đựng nước.

Nếu có dịp qua Mỹ du lịch, bạn sẽ nhận thấy rằng các bồn cầu ở đây đều không có vòi xịt, buộc phải sử dụng giấy. Vì sao lại như thế?

Chiếc vòi xịt đi kèm với bồn cầu toilet là một vật dụng không thể thiếu trong rất nhiều nhà vệ sinh trên toàn thế giới, giúp bạn xịt rửa sạch sẽ sau mỗi lần đi đại tiện. Thế nhưng tại Mỹ, một quốc gia vô cùng văn minh và giàu có, chiếc vòi xịt này lại không hề xuất hiện trong bất cứ nhà vệ sinh nào. Tại sao lại như thế?

Phiên bản ban đầu của chiếc vòi xịt thật ra không có hình dạng vòi xịt mà nó là một chiếc bồn tương tự bồn cầu, bên trong đựng nước. Nó được người Pháp tạo ra vào năm 1710 để người dùng có thể ngồi lên đó, vốc nước lên và cọ rửa thật sạch sẽ mỗi lần đi vệ sinh xong. Ngày nay, trong nhiều nhà vệ sinh hiện đại, chiếc bồn rửa vẫn còn được giữ lại nhưng nó được cải tiến, dưới đáy bồn có lỗ thoát nước và thành bồn gắn thêm vòi nước để việc rửa ráy được vệ sinh hơn.

Còn chiếc vòi xịt cầm tay mà chúng ta thường thấy ngày nay được thiết kế vào năm 1750 để thay thế cho bồn rửa, và nó luôn gắn kèm với bồn cầu, tất nhiên trừ những chiếc bồn cầu trên khắp nước Mỹ. Và lý do nào khiến người Mỹ tẩy chay dụng cụ này? Điều gì khiến họ thích dùng giấy hơn dùng nước?

Có một số yếu tố được cho là nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, người Mỹ chịu ảnh hưởng rất lớn từ người Anh. Vào thế kỷ 18, người Anh có thành kiến rất nặng với giới quý tộc Pháp cũng như lối sống kiểu cách hưởng thụ của họ, trong đó có phong cách ngồi bồn cầu rồi chạy sang ngồi bồn rửa của họ. Vì người Mỹ trước kia vốn là thuộc địa của Anh nên người dân của họ cũng ghét lây kiểu ngồi rửa này.

Thứ hai, trong suốt Thế Chiến II, những người lính Mỹ lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất, trông thấy một chiếc bồn rửa là trong các nhà thổ ở Pháp. Điều đó khiến họ mặc định thành kiến rằng chiếc bồn này gắn liền với sự dơ dáy bẩn thỉu và suy đồi về đạo đức.

Giả thuyết thứ ba, có lẽ cũng là giả thuyết hợp lý nhất, đó là cách sử dụng bồn rửa. Không giống như việc dùng giấy vốn luôn giữ cho đôi tay được sạch sẽ, nếu muốn dùng một chiếc bồn rửa truyền thống, người ta phải dùng tay trần để tạt nước lên và kỳ cọ. Nên biết rằng người Mỹ là những công dân cực kỳ bảo thủ trong vấn đề vệ sinh cá nhân, điển hình là mãi cho đến năm 1960 thì hình ảnh chiếc bồn cầu mới được xuất hiện trên phim ảnh, cho nên những thứ như vậy cũng không được xuất hiện trong nhà vệ sinh của họ.

Ngày nay, người Mỹ cũng không dùng bồn rửa là vì thói quen và truyền thống hơn là thành kiến. Đối với họ, giấy vẫn là phương tiện thân thuộc. Còn đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, hình ảnh bồn cầu gắn kèm vòi xịt vẫn thân thuộc và tiện lợi hơn.

Tất nhiên, việc sử dụng bồn rửa hay vòi xịt sẽ có rất nhiều lợi ích hơn dùng giấy, chẳng hạn nó vệ sinh hơn, đặc biệt đối với phụ nữ; thuận tiện hơn, đặc biệt với người già, người bị viêm khớp, bệnh trĩ, da dị ứng. Không những thế, bồn rửa hay vòi xịt sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều so với giấy.

Tại Bắc Mỹ, mỗi năm có đến 36 tỷ cuộn giấy vệ sinh được sử dụng, và chỉ tính riêng tại San Francisco, mỗi năm thành phố này tiêu tốn đến 4 triệu đô la (hơn 90 tỷ đồng) chỉ để thông cống tắc nghẽn do giấy vệ sinh gây ra.