RSS

Đọc bài viết "Đồng nghiệp trẻ không giữ cửa cho tôi", tôi rất đồng cảm với tác giả Dũng Phú Trần. Lúc mới đi làm vài năm, tôi được công ty cử qua Mỹ công tác vài tháng. Tại đây, trong một lần đi mua sắm ở một siêu thị lớn, tôi cũng đẩy cửa để đi qua và thản nhiên thả tay ra ngay theo bản năng và thói quen lúc còn sinh sống ở Việt Nam, khiến cánh cửa bật ngược trở lại.

Vô tình, đúng lúc đó, có một người phụ nữ đi gần ngay phía sau tôi suýt bị cánh cửa va thẳng vào người. Cô gái giật mình tránh né rồi ném về phía tôi một cái nhìn khó chịu, miệng nói "thank you" (cảm ơn) với giọng mỉa mai. Câu nói đó làm tôi áy náy mãi về sau này. Tôi cứ trăn trở mãi vì hành động thiếu văn minh, thiếu tế nhị (dù trong vô thức) của mình.

Từ sau lần ấy, mỗi khi tới chỗ đông người, tôi luôn chú ý, cẩn trọng trong từng cử chỉ của mình. Tôi học cách làm quen với việc xếp hàng trật tự, giữ cửa cho người đi sau, và cảm ơn thật lòng khi được ai đó giữ cửa cho mình. Tôi thật sự thấy vui khi được ai đó nói câu "thank you" chân thành khi được tôi giữ cửa cho. Nó hoàn toàn khác với câu "thank you" đầy mỉa mai mà tôi từng nhận được trước kia.

Sau những tháng ngày ở Mỹ, tôi mang cả văn hóa, thói quen lịch thiệp ấy về Việt Nam. Một lần, tôi đi vào tòa nhà lớn, nơi có nhiều công ty nổi tiếng thuê làm văn phòng, trụ sở. Đi tới cửa đẩy, tôi thấy phía sau có rất nhiều người đang đi tới, phía trước cũng vậy. Vậy là theo thói quen, tôi đi qua và dừng lại giữ cửa, chờ cho những người đi sau mình qua hết.

Nhưng khác với những gì tôi tưởng tượng về những câu "cảm ơn" như người phương Tây. Dẫu đoàn người đi phía sau rất động, nhưng tuyệt nhiên không có một ai dừng lại giữ cửa thay cho tôi. Họ cứ mặc tôi đứng đấy, nhiều người còn cố bước nhanh hơn để lách qua cửa trước khi tôi kịp buông tay. Có lẽ họ chỉ muốn tranh thủ đi qua cho nhanh, muốn tiện cho mình, chứ không hề để tâm tới hành động của tôi.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì tôi trải nghiệm ở Mỹ. Tại đó, khi tôi chủ động giữ cửa cho người phía sau, họ lại thay phiên nhau giữ cửa tiếp cho người sau nữa nếu gần để tôi có thể tiếp tục rời đi. Không ai bắt tôi phải đứng giữ cửa cho hết cả đoàn người. Họ cũng không quên nói lời cảm ơn vì hành động lịch thiệp của những người giữ cửa cho mình.

Trở lại với câu chuyện ở Việt Nam. Tôi cứ đứng giữ cửa ở đó suốt một hồi lâu, phần vì không muốn buông tay năm do sợ cánh cửa sẽ va phải ai đó, phần vì chẳng có ai thay tôi làm chuyện đó cả. Có lúc, tôi nghĩ sao mình giống nhân viên bảo vệ đang giữ cửa cho khách đi qua vậy? Tới khi vãn người, tôi mới từ từ buông tay và rời đi, trong lòng còn nhiều suy nghĩ bận lòng.

Tôi tự hỏi: không biết đến bao giờ cái văn minh bất thành văn ở châu Âu, Mỹ mới được hình thành ở nơi chúng ta? Có lẽ chúng ta cần dạy các thế hệ trẻ nhiều hơn về sự văn minh và những phép lịch sự tối thiểu. Có như vậy mới mong xuất hiện nhiều hơn những cánh tay đưa ra để giữ cánh cửa cho người phía sau.