Người Mỹ đổ xô đi đăng ký kết hôn vì lo chính phủ đóng cửa
Hàng chục cặp đôi ở thủ đô Washington (Mỹ) đổ xô đi đăng ký kết hôn vì lo ngại khả năng chính phủ nước này có thể đóng cửa vào ngày 1-10.
Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa một phần vào ngày 1-10 trong bối cảnh Quốc hội chưa thể thống nhất về các dự luật ngân sách.
Chị Samara Tu và anh Patrick McDermott gấp rút đăng ký kết hôn tại Tòa thượng thẩm thành phố Washington hôm 29-9 để kịp tổ chức cưới vào ngày 14-10 tới - Ảnh: WASHINGTON POST
Theo báo Washington Post, ngoài các nhân viên liên bang phải nghỉ phép, một số dịch vụ như bảo tàng, cục đăng ký kết hôn của thành phố Washington cũng sẽ tạm ngừng hoạt động.
Chính vì thế các cặp đôi sẽ không thể đăng ký hoặc nhận giấy phép kết hôn tại Tòa thượng thẩm thành phố Washington nếu chính phủ đóng cửa.
Trả lời báo Washington Post ngày 29-9 (giờ địa phương), năm công ty tổ chức tiệc cưới cho biết họ đã gửi email khẩn, yêu cầu các khách hàng tranh thủ nhận giấy đăng ký kết hôn trước tháng 10.
Đến nay Hội đồng thành phố Washington vẫn chưa có giải pháp cho những người không thể đến cơ quan chức năng địa phương đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên các thành viên của hội đồng trên sẽ có buổi triệu tập vào ngày 3-10 tới để bỏ phiếu về phương án tạm thời, cho phép thị trưởng thay mặt văn phòng lục sự quận phê duyệt chứng nhận đăng ký kết hôn trong thời gian chính phủ đóng cửa.
Như vậy, nếu kế hoạch này được chấp thuận, các cặp đôi có thể tiếp tục đăng ký kết hôn từ cuối tuần tới.
Tuy nhiên một số người vẫn mong muốn có được giấy đăng ký kết hôn ngay thời điểm này.
Anh Greta David, đại diện một công ty tổ chức đám cưới ở Washington, cho biết một số tôn giáo bắt buộc phải có giấy đăng ký kết hôn hợp pháp vào đúng thời điểm tổ chức lễ cưới.
“Chúng tôi sắp tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống của Công giáo. Và linh mục sẽ không ban phép cưới cho chúng tôi nếu không có giấy đăng ký kết hôn”, chị Barletta và anh Vakilzadeh nói với Washington Post.
Trong thời gian Chính phủ Mỹ đóng cửa, hơn 2 triệu nhân viên liên bang phải chấp nhận làm việc không lương hoặc nghỉ việc. Hàng loạt dịch vụ bị đình trệ hoặc thậm chí là ngừng hoạt động.
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ước tính họ sẽ phải cho hơn 17.000 nhân viên nghỉ phép và tạm dừng đào tạo. Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch Mỹ cũng dự đoán việc chính phủ đóng cửa có thể khiến ngành du lịch nước này thiệt hại khoảng 140 triệu USD mỗi ngày.
Theo Nhà Trắng, một số chương trình của chính phủ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Chương trình bổ sung dinh dưỡng đặc biệt cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em (WIC) hoặc Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP).
Ngoài ra, các khoản cho vay của sinh viên, nguồn tài trợ cho các trường học cũng bị gián đoạn. Hàng chục nghìn người có thu nhập thấp - những người phải dựa vào chính phủ liên bang để giúp trả tiền thuê nhà rơi vào bất ổn.