Đằng sau đồng USD Việt kiều Mỹ gửi về - Kỳ cuối: Đừng mơ lãnh tiền trợ cấp
Nhiều người bên nhà vẫn bảo, ở Việt Nam, sếp là trời, nói một là một, hai là hai, nhân viên răm rắp nghe theo. Còn ở Mỹ thì sếp và nhân viên ngang hàng, mặc sức tranh cãi.
Đó chỉ là trên lý thuyết và trong phim Hollywood thôi. Chứ ngoài đời thì hiếm.
Chớ dại vác đơn đi kiện
Sau lưng không biết người ta nói xấu cái gì, chứ trước mặt, nhân viên sợ sếp ra phép. Không nghe lời, chọc giận, sẽ mất nhiều cơ hội tiến thân, thậm chí bị đì rồi mất việc như chơi. Mỹ mà, có việc làm là có tất cả.
Có tiền trả góp nhà, xe, điện thoại, shopping, du lịch, để dành cho mai hậu về sau. Khi mất việc, cũng đồng nghĩa bạn không có tiền, nghĩa là bạn sẽ nợ tiền nhà lẫn tiền xe, nghĩa là không có tiền mua áo quần, thức ăn hay nước uống, nghĩa là trước sau gì bạn cũng sẽ ra đường mà ở rồi "ngủm củ tỏi" cũng chẳng ai hay.
Cũng có nhiều người sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ, nhưng những khoản này chẳng là bao, không mấy ai có thể sống suốt đời bằng số tiền ít ỏi ấy.
“Phi thương bất phú”, đi sau người Hoa, có rất nhiều người Việt sang đây cũng mở siêu thị, nhà hàng nhộn nhịp. Đó không phải là nghề duy nhất ở Mỹ. Miễn kiếm được tiền, người Việt làm ở chợ, bưng bê, trông trẻ lậu...
Nhiều người mới qua còn quen kiểu Việt Nam. Chán việc: nghỉ. Không ưa sếp: nghỉ. Ghét đồng nghiệp: nghỉ. Làm nhiều mà lương ít: nghỉ. Thích là nghỉ thôi, mà không cần phải tìm việc khác phòng thân. Nếu bạn tự ý nghỉ việc, thì ngồi mơ lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp đi nhen. Bạn xung phong mà, không ai bắt biểu.
Còn lỡ bị đuổi, cũng không hẳn bạn sẽ có tiền trợ cấp liền, mà phải qua nhiều công đoạn. Văn phòng thất nghiệp sẽ phỏng vấn hai bên, tìm ra nguyên nhân bị đuổi. Nếu lỗi thuộc về bạn nhưng không đến mức quá đáng, bạn sẽ nhận được trợ cấp trong vòng vài tháng, dựa vào số tiền đã đóng khi đi làm. Còn nếu lỗi hoàn toàn thuộc về bạn, kiểu chơi ma túy, đi trễ về sớm nhiều lần ảnh hưởng tới công việc, thì yên tâm đi nhé, một xu cũng không có.
Dù bạn có làm năm năm, mười năm, cũng chả khác gì nhau.
Khác với châu Âu, Mỹ không mạnh lắm về công đoàn, nên nhân viên không được bảo vệ một cách triệt để.
Không đồng ý với quyết định của họ, bạn có thể mướn luật sư đi kiện, kiểu phân biệt chủng tộc, giới tính, bị đe dọa khi làm việc, môi trường không phù hợp, hay bất kì một lý do trời ơi đất hỡi nào đó. Mỹ mà, xứ tự do, ai cũng có quyền kiện người khác ra tòa.
Và người bị kiện phải bỏ ra một đống tiền để mướn luật sư bào chữa nếu không muốn bị thua và có hồ sơ xấu. Nhưng để theo đuổi một vụ kiện sẽ vô cùng tốn thời gian và tiền bạc nhưng chưa chắc thắng. Rồi mai mốt nộp đơn qua công ty khác, họ kiểm tra lịch sử làm việc của bạn.
Dù pháp luật không cho phép chối, nhưng đời mà, ai biết được chữ ngờ. Ít ai muốn mướn một nhân viên hay đi kiện cáo công ty. Người ta không nói ra, sao bạn biết.
Không có bữa trưa miễn phí
Những ngày vào Sài Gòn làm giấy tờ xuất cảnh, gia đình chúng tôi có ở trọ nhà cô chú người quen của ba ở quận 1. Nhà cửa chật chội, nhưng của ít, lòng nhiều, cô chú đã đùm bọc gia đình chúng tôi rất nhiều. Khi sang Mỹ, những năm đầu tiên, chúng tôi cũng thư từ, quà cáp, liên lạc hỏi thăm cô chú mỗi năm.
Rồi chuyện đời, chuyện làm cứ cuốn chúng tôi vào cái vòng lẩn quẩn. Thư từ, điện thoại, tin tức cũng thưa dần. Nghe kể lại, cô chú cũng giận dỗi, trách hờn này nọ, là giờ giàu sang quên đi tình nghĩa thuở xưa. Độ đâu vài năm trước, tôi nhận được điện thoại của cô. Cô thỏ thẻ, tao qua đây được mấy tháng, thấy cảnh mấy đứa con tao nó quay cuồng với cuộc sống, quần quật kiếm tiền, chẳng có thời gian ngủ nghỉ, thấy mình bậy ghê.
Nếu như ông bà ta có câu: “Có làm thì mới có ăn / Không dưng ai dễ đem phần tới cho”, thì người Mỹ cũng thường hay nói “There is no such thing as a free lunch in America” (Không có cái gọi là bữa trưa miễn phí ở Mỹ).
Sống ở đâu cũng thế, ai cũng phải làm việc mới mong tồn tại. Nhưng để sống được và tồn tại trên đất nước này, chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba dân bản xứ, phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, những cú sốc văn hóa, vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị về màu da, sắc tộc, chịu đựng mùa đông, mùa hè khắc nghiệt, và sự thiếu thốn tình cảm gia đình.
Bọn trẻ chúng tôi còn phải chật vật để hòa nhập, thì những người sang đây khi không còn trẻ nữa, việc đó hầu như bất khả thi.
Để có được những kỹ sư, cử nhân, tiến sỹ, thạc sỹ, những tiệm nails, tiệm phở, nhà hàng chi chít chữ Việt, hoặc những văn phòng bác sỹ, luật sư nằm co cụm hay rải rác từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, từ miền gió tuyết đến sa mạc khô khan trên đất nước rộng lớn này, đã được đánh đổi bằng nước mắt, mồi hôi và cả những sự hy sinh lặng thầm của những người mẹ, người cha và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bao người trẻ tuổi.
Một góc nhà thờ của người Việt |
Nhưng không phải ai đến Mỹ cũng thành công.
Những khu nhiều người Việt cũng sinh ra đủ thứ tệ nạn kinh hoàng như ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu chè, bảo kê, vay nặng lãi, đổ nợ, lang thang ăn xin để sống, rồi đâm thuê, chém mướn, bắn giết, băng đảng tùm lum.