RSS

"Tôi cứ nghĩ bao năm bố mẹ chăm chút để mình xây dựng sự nghiệp, khi già yếu lại bị con cái đẩy vào viện dưỡng lão cho nhẹ thân", chị Mai Thy, 51 tuổi, ở quận Tây Hồ kể câu chuyện của đêm đầu tháng 4. Chị nói, đêm đó càng nằm nghĩ càng sợ không may mẹ làm sao khi không có mình bên cạnh, mẹ có buồn tủi vì xa con cháu. "Lúc đó tôi chỉ muốn chạy vào ôm lấy mẹ xin lỗi", chị nói.

Chị Mai Thy với mẹ và chị gái tại một cơ sở dưỡng lão ở Tô Ngọc Vân, Hà Nội, sáng 6/5. Ảnh: Phan Dương

Chị Mai Thy (áo trắng) vào thăm mẹ 91 tuổi (người ngồi xe lăn) trong một cơ sở dưỡng lão ở đường Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội, sáng 6/5. Ảnh: Phan Dương

Sau khi bố qua đời 8 năm trước, sức khỏe mẹ yếu hơn, chị và em trai út từ Quảng Ninh lên Hà Nội mua chung cư cạnh nhau để cùng chăm mẹ. Nhưng việc kinh doanh của chị quá bận khiến mẹ bị ảnh hưởng. Có hôm cụ bà gần 90 tuổi ăn cơm trưa lúc 13h, cơm tối lúc 20h theo con.

Giữa năm 2017 mẹ chị phát thêm bệnh nghẽn động mạch vành, phải đặt ba stent. Từ đầu năm ngoái cụ ì hơn, đãng trí hơn. Mỗi ngày chị phải dỗ mẹ ăn, đêm canh cho ngủ. Mỗi lần nâng mẹ đi vệ sinh, tắm rửa thực sự là một lần gắng sức vì chị kém mẹ tới 20 kg. Nhìn thấy chị gái gầy và già hẳn đi, người em trai sửa lại một phòng riêng khép kín cho mẹ tiện sinh hoạt rồi thuê người chăm sóc. Song 6 tháng thay ba người giúp việc, gia đình vẫn thấy giải pháp này không ổn.

Lúc này mọi người khuyên đưa mẹ vào viện dưỡng lão. "Lúc đó dù biết mẹ sẽ được chăm sóc tốt hơn, nhưng tôi không thoát được suy nghĩ con không tự tay chăm mẹ mà đẩy vào dưỡng lão là bất hiếu", chị nói.

Băn khoăn của chị Mai Thy cũng là chủ đề gây tranh cãi chưa ngã ngũ nhiều năm nay. Khảo sát 4.000 độc giả VnExpress với câu hỏi "Có nên gửi cha mẹ già, yếu vào viện dưỡng lão?", có 5% kiên quyết không gửi vì cho là bất hiếu, 20% đồng ý để vì cụ cần được chăm sóc tốt hơn, còn 75% cho biết còn tùy điều kiện kinh tế gia đình và ý muốn cha mẹ.

Nhìn chung viện dưỡng lão ở  hiện nay gắn liền với hình ảnh là nơi chăm sóc những người già, yếu, cần người khác hỗ trợ. Chính thực tế này cũng gây ra định kiến và rào cản cho nhiều người muốn vào. Trong hình, những cụ già tại một viện dưỡng lão ở Tô Ngọc Vân sinh hoạt buổi sáng. Ảnh: Phan Dương

Những cụ già tại một viện dưỡng lão trên đường Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ, Hà Nội) sinh hoạt sáng 6/5. Ảnh: Phan Dương

Anh trai và em gái của ông Đặng Khanh (59 tuổi) ở quận Đống Đa (Hà Nội) nằm trong số 5% này. Từ giữa năm 2019, cha của ông bị tai biến. Sau khi cụ xuất viện trở về, gia đình thuê người giúp việc tháng trả 20 triệu đồng, song vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc khiến cụ bị lở loét.

"Chúng tôi nghĩ đến giải pháp đưa bố vào viện dưỡng lão, nhưng khi nói ra cũng là lúc cuộc chiến gia đình bùng nổ", ông Khanh nói.

Mọi người không đồng ý vì "người nhà chăm còn chưa yên tâm nói gì người ngoài", "làng xóm, họ hàng ở quê nhìn vào". "Nhà mình con cái có ăn có học nhất, đẩy bố vào sẽ bị nói là bất hiếu", người anh cả nói.

Anh cả và em gái tuyên bố sẽ không chia sẻ kinh tế nếu đưa bố đi viện dưỡng lão. Bất chấp điều đó, ông Khanh vẫn tin vào lựa chọn của mình. "Giai đoạn đầu, các cháu nhà anh và em tôi thường lén vào viện dưỡng lão, quay video, chụp ảnh mọi hoạt động để lấy lý do không cho tôi gửi bố vào", ông Khanh kể.

"Căn nguyên của cuộc chiến này xuất phát từ quan niệm đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu", phó giáo sư Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.

Ở , chữ hiếu là một giá trị văn hóa rất quan trọng, thể hiện sự tôn kính, vâng lời và báo đáp công ơn sinh thành với cha mẹ, tổ tiên. Hiếu cũng là một trong những đức tính cốt yếu của và được coi là nền tảng của các giá trị gia đình, xã hội. "Chữ hiếu là điểm mấu chốt trong duy trì chăm sóc người cao tuổi", ông Sơn nói.

Việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, với nhiều người, là hành động bất kính và vô ơn. Áp lực dư luận xã hội với vấn đề này cũng khá nặng nề khiến đôi khi trở thành rào cản ngăn con cái đưa cha mẹ vào hoặc ngăn cản cha mẹ muốn vào.

Sau hơn nửa thế kỷ thực hiện "sinh đẻ có kế hoạch", Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2014, hiện người cao tuổi chiếm 12% dân số và dự báo sẽ lên 20% vào năm 2035. Trong khi đó, cấu trúc gia đình thay đổi rõ rệt, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con giảm từ gần 80% năm 1992 xuống 28% năm 2017, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Gia đình và giới năm 2021.

Theo ông Sơn, ngày càng có nhiều cách phụng dưỡng người già, cách con cái báo hiếu cha mẹ cũng trở nên đa dạng. Việc gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão khó có thể đánh đồng với việc "bất hiếu" vì hoàn cảnh mỗi nhà mỗi khác. Điều con cái nên làm là tôn trọng ý muốn của cha mẹ và tạo cho ông bà môi trường sống tốt nhất.

"Nếu con cái không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo sự an toàn cho cha mẹ, việc đưa họ vào viện dưỡng lão là một lựa chọn hợp lý chứ không phải bất hiếu, nhất là khi nơi đó có trang thiết bị và điều dưỡng chuyên nghiệp", ông Bùi Hoài Sơn nói.

Bố của ông Khanh đã có thể ngồi xe lăn đi lại sau bốn tháng vào viện dưỡng lão, tình trạng lở loét do nằm nhiều đã chấm dứt. Người anh trai và em gái từng kiên quyết không cho bố vào, không nói chuyện, không tham gia đóng phí, giờ đã thay đổi quan điểm từ chính các video họ quay được.

Trong dịp cả nhà ăn Tết thứ ba trong viện dưỡng lão năm nay, người anh trai khen nhờ có vào đây mà bố mới sống được. "Sau này nếu một trong hai vợ chồng tôi mất, người còn lại cũng sẽ vào viện dưỡng lão", người anh cả nói, trong tiếng cười của cả nhà.

Sự áy náy của chị Mai Thy được giải tỏa sau một tối ngủ lại với mẹ. Nhân viên trực cứ một lúc lại đảo qua các phòng để xem tình hình. Vào 1h và 4h nhân viên sẽ đến từng giường kiểm tra bỉm, đảo tư thế cho các cụ.

"Tôi thừa nhận nhân viên chăm sóc mẹ tốt hơn mình. Trước có những hôm tôi nằm bên mẹ nhưng ngủ quên, để mẹ ướt lạnh", chị nói.