RSS

10 mốc khám thai định kỳ quan trọng để 40 tuần khỏe mạnh, ngày vượt cạn được mẹ tròn con vuông

07:26 09/09/2023

Với các mẹ, nhất là người làm mẹ lần đầu, hành trình mang thai luôn mới mẻ và nhiều bỡ ngỡ. Không những không biết làm cách nào để chăm sóc thai kỳ tốt nhất, nhiều mẹ còn chưa nắm rõ các mốc khám thai định kỳ.

Nếu biết được các mốc khám thai định kỳ quan trọng, mẹ có thể chủ động trong việc dưỡng thai. Ngoài ra mẹ còn biết cách ứng phó kịp thời với những nguy cơ có thể xảy đến cho cả mẹ và con. Thông qua việc khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ biết được tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Những mẹ bầu tuân thủ khám thai định kỳ giúp giảm nguy cơ tử vong xuống 5 lần so với những mẹ bầu không khám thai.

Dưới đây là 10 mốc khám thai định kỳ quan trọng mẹ cần nhớ và tuân thủ để có thai kỳ khỏe mạnh cũng như giúp làm giảm thiểu rủi ro. 

1. Lần khám thai đầu tiên: 5-8 tuần

hình ảnh

Vào tuần thai thứ 5-8, đây là cột mốc quan trọng để xác định mẹ có thực sự có thai hay không cũng như xác định vị trí làm tổ của thai nhi. Ở lần khám thai này, mẹ sẽ được kiểm tra cân nặng, chiều cao để tính chỉ số BMI cơ thể xem có bị thừa cân, béo phì, đo huyết áp để xem có bị huyết áp cao hay không và được thử nước tiểu kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ. Mẹ cũng được siêu âm kiểm tra vị trí phôi thai và tuổi thai. Ngoài ra, mẹ còn được xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục, nhóm máu…, được bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng thai kỳ, tư vấn về các xét nghiệm sàng lọc trước sinh… cũng như lên lịch hẹn khám thai cho lần kế tiếp. 

2. Lần khám thai thứ 2: Tuần thai thứ 8

Trong lần khám thai này mẹ sẽ được tiến hành thăm khám như kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, thử máu… để đánh giá tình trạng phát triển của em bé trong bụng. 

3. Lần khám thai thứ 3: Tuần 10-13

Mẹ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm Thalassemia để biết thai nhi có nguy cơ bị thiếu máu di truyền, hồng cầu bị vỡ sớm gây thiếu oxy hay không. Bác sĩ cũng tiến hành đo nhịp tim em bé bằng thiết bị cầm tay Doppler. Mẹ còn được chỉ định làm xét nghiệm Double test và siêu âm kiểm tra dị dạng chi, thoát vị cơ hoành, siêu âm đo độ mờ da gáy.

4. Lần khám thai thứ 4: Tuần 14-16

Ngoài việc được kiểm tra cân nặng, huyết áp, kiểm tra nhịp tim thai nhi… mẹ còn được thử máu để kiểm tra 3 hormone (estriol, B-hCG và alpha fetoprotein tự do) để đánh giá nguy cơ mắc hội chứng Down hoặc khuyết tật ống thần kinh thai nhi. 

5. Lần khám thai thứ 5: Tuần 16-20

hình ảnh

Ở lần khám thai này, mẹ sẽ được làm xét nghiệm Triple test để chẩn đoán các vấn đề như rối loạn gen, dị tật ống thần kinh thai nhi.  

6. Lần khám thai thứ 6: Tuần 20-24

Mẹ sẽ được chỉ định siêu âm 4D để kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường ở tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận cũng như kiểm tra vị trí bám của nhau thai và lượng nước ối.

7. Lần khám thai thứ 7: Tuần 24-27

Đây cũng là mốc khám thai định kỳ quan trọng. Trong lần khám thai này, mẹ sẽ được siêu âm để quan sát sự phát triển và lượng nước ối, tầm soát đái tháo đường, xét nghiệm máu để tìm yếu tố Rh âm tính.

8. Lần khám thai thứ 8: Tuần 28-36

Mẹ sẽ được siêu âm ngôi thai đồng thời bác sĩ còn tiến hành kiểm tra cổ tử cung xem mẹ có dấu hiệu sắp sinh chưa. Mẹ cũng sẽ được xét nghiệm Non-stress (NST) để kiểm tra sức khỏe thai nhi dựa vào những thay đổi của tim thai. 

9. Lần khám thai thứ 9: Tuần 36-40

hình ảnh

Lúc này, thai nhi đã đủ 36 tuần, thường mẹ sẽ đi khám thai mỗi tuần để bác sĩ thăm khám, kiểm tra cổ tử cung và theo dõi thai kỳ. 

10. Lần khám thai thứ 10: Tuần 40-42

Vào tuần 40-42 của thai kỳ, nếu mẹ bầu vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ sẽ được thăm khám, siêu âm kiểm tra nước ối và tình trạng thai nhi. Trong mốc khám thai định kỳ quan trọng này, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc việc để mẹ tiếp tục chờ đợi hay can thiệp để sinh con.