RSS

Tiệm trà 70 năm tuổi của cụ bà người Hoa ở Sài Gòn

03:22 04/10/2023

Tiệm trà của bà Trần Dung (87 tuổi) ở phường 2, quận 11 sau 70 năm vẫn giữ cách chế biến, đóng gói trà truyền thống, các vật dụng cũng được bài trí như lúc mới mở.

Trên đường Phú Thọ, suốt 70 năm qua, tiệm trà Di Phát của gia đình bà Trần Dung vẫn tồn tại ở vị trí cũ, với cách bài trí đậm nét truyền thống của người Hoa. Cửa tiệm rộng khoảng 30 m2, nền lát gạch bông hoài cổ, bên trong treo câu đối đỏ, tượng thờ thần tài, Quan công, tranh kiếng.

Bà Dung cho biết tiệm trà mở từ thập niên 1950. "Gia đình chồng tôi từ hồi còn ở Triều Châu đã có truyền thống làm trà. Khi đến Sài Gòn lập nghiệp, mới đầu đi làm thuê cho các xưởng trà rồi dần tích luỹ để mở tiệm riêng", bà cụ 87 tuổi nói.

Tiệm trà giữ gìn nét truyền thống với đồ đạc, bàn ghế, quầy tủ đều được làm bằng gỗ. Hầu hết các vật dụng bán trà được người chủ giữ nguyên vẹn như từ khi mới mở tiệm.

Bà Dung không thường xuyên đứng tiệm như trước, chỉ thỉnh thoảng ra phụ con trai đóng gói trà. Bà kể thời hoàng kim của tiệm là những năm 70, khi ấy chủ yếu bán sỉ khắp Sài Gòn ngày nào trong gian bếp cũng đỏ lửa để sấy trà.

"Giờ chủ yếu bán cho mối quen để họ làm quà biếu tặng, tháng chỉ làm trà một lần", bà nói, tay bốc trà từ trong tủ vào gói giấy.

Cửa tiệm vẫn giữ hơn 20 hộp trà đựng trà bằng nhôm, có từ lúc mới cửa tiệm. Mỗi hộp chứa được khoảng 5 cân trà, giúp nguyên liệu không bị mất mùi, ẩm mốc trong quá trình bảo quản.

Một trong những món đồ quý là chiếc cân Thiên Bình, sản xuất từ thời Pháp, trước từ khi mở tiệm. Các quả cân trọng lượng từ một lạng tới hai ký còn đầy đủ, chủ tiệm thường sử dụng khi khách mua lượng trà ít.

"Trước giờ cũng có nhiều người tới hỏi mua lại mấy món trong tiệm này như bộ cân, thùng, ấm trà, bàn ghế nhưng tôi không bán vì đó là đều là kỷ vật quý với gia đình", bà Dung cho biết.

Ông Quách Huê, 58 tuổi, con trai bà Dung hiện là người trông coi chính ở tiệm. Ông cho biết, từ nhỏ đã theo cha phụ việc, được dạy cách làm trà và biết thêm nhiều kiến thức về nghệ thuật trà. Cha mất, ông nối nghiệp đến nay cũng gần 40 năm.

Tiệm vẫn giữ cách gói trà truyền thống bằng giấy theo kiểu bánh ú và hình vuông thông dụng thời xưa.

Người chủ cho biết, gói bánh ú là kiểu thông dụng, còn kiểu vuông thường dùng để mang biếu khách. Cạnh đó một số loại trà hiếm như Phổ Nhĩ thì gói hình viên kẹo.

Bộ đồ nghề pha trà với chiếc ấm tích (màu trắng) có từ thập niên 1940 vẫn được tiệm sử dụng.

Ban đầu nơi đây bán chủ yếu các loài trà Trung Quốc như ô long, phổ nhĩ, sau có thêm trà Bảo Lộc, Thái Nguyên. Giá của loại trà phổ thông dao động 50.000-450.000 đồng một cân. Trà Trung Quốc có mức giá cao hơn, dao động từ 2 triệu đến 5 triệu đồng một cân. Đắt nhất là loại trà Phượng Hoàng Đơn Tùng, được nhập từ Triều Châu.

Tiệm trà Di Phát không chỉ buôn bán mà còn là nơi để nhiều người tới khám phá, tìm hiểu về nghề trà truyền thống của người Hoa. Ông Huê cho biết, khách tới tham quan, ngắm nhìn nét hoài cổ của quán đều gia chủ được tiếp chuyện, mời trà thoải mái.

Tiệm chế biến trà tháng một lần, chủ yếu là trà lài (nhài), khoảng 100 kg. Các công đoạn như phơi, sấy, ướp hoa đều làm thủ công dựa trên công thức từ đời trước. Bên cạnh đó, thi thoảng ông Huê vẫn sang Triều Châu để nhập các loại trà ngon ở đó về Sài Gòn bán.

Tiệm cũng nhận đóng gói trà để làm sính lễ cưới hỏi theo phong tục của người Hoa. Một góc nhỏ cũng trưng bày bánh kẹo cưới như bánh pía Triều Châu, kẹo mè xửng, bánh trung thu.