RSS

Ở nước Mỹ, tại sao nói dối lại xấu xa hơn cả trộm cắp?

07:05 13/09/2023

“Sự tin tưởng lẫn nhau” là quan trọng hay là không quan trọng? Nếu như trong một xã hội có một quy tắc hay một quy tắc ngầm đặt “sự tin tưởng lẫn nhau” là quan trọng thì nó là quan trọng, còn nếu trong một xã hội có một quy tắc hay một quy tắc ngầm đặt “sự tin tưởng lẫn nhau” là không quan trọng thì nó không quan trọng.

Tôi ở Mỹ học tập, làm việc và sinh sống đã 16 năm qua, sự hiểu biết về đất nước này đã dần dần sâu sắc hơn, từ bao quát mà nhìn thì thấy nước Mỹ nói chung là một quốc gia rất coi trọng danh dự. Trong con mắt của tôi, rất nhiều những hành vi “dễ tin” của người Mỹ thật sự là rất dễ dàng để bị mắc lừa.

1. Để quên ví tiền trong thư viện cũng không phải lo lắng

Đầu tiên, mọi người trong xã hội Mỹ đều có sự tin tưởng lẫn nhau. Đây là một mẩu chuyện nhỏ về việc không nhặt của rơi. Năm 2002, tôi đi tiến sĩ tại đại học Kansas, bởi vì khẩu ngữ tiếng Anh không tốt nên đã tham gia một hoạt động về tiếng Anh của trường. Đây là một chương trình giúp đề cao Anh ngữ cho các du học sinh nước ngoài. Trong chương trình có mời các học sinh người Mỹ có chuyên môn nói chuyện với các du học sinh nước ngoài.

 

Thư viện New York

 

Một hôm, tôi đang nói chuyện với một cậu bạn người Mỹ, đột nhiên cậu bạn nói: “Tệ thật, tôi để quên ví tiền ở thư viện rồi”. Tôi vội vàng nói ngay: “Vậy cậu mau trở lại đó tìm đi!”. Anh bạn ngập ngừng một chút rồi nói: “Không sao đâu, chúng ta nói chuyện tiếp đi, người nhặt được ví tiền của tôi sẽ gọi điện thoại cho tôi ngay mà, bởi vì trong ví tiền của tôi đã có giấy chứng nhận và cách thức liên lạc rồi”. Tôi lắp bắp, hoang mang và bán tín bán nghi với câu trả lời của cậu ấy.

Một tuần sau đó, đang lúc chúng tôi gặp mặt để giao lưu tiếng Anh. Tôi hỏi cậu bạn ấy “Cậu đã tìm thấy ví tiền rồi sao?” Cậu ta nói tìm được rồi, là người nhặt được ví tiền đã gọi cho anh. Tôi vẫn bán tín bán nghi bởi vì thấy chuyện này “bất khả tư nghị” ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Sau này, khi tôi đã trải qua nhiều sự việc hơn nữa, tôi chứng kiến sự tin tưởng giữa những người bạn Mỹ khiến tôi không thể không tin.

Năm 2005, tôi nghiên cứu tiến sĩ tại New York. Một lần, đi dự triển lãm tranh của một anh bạn người Mỹ, trò chuyện một lát. Anh bạn nói “Có một viện bảo tàng đang tổ chức triển lãm tranh của một người Trung Quốc, anh có muốn chúng ta cùng đi xem một chút không?” Tôi vui vẻ đồng ý.

 

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York.

 

Đến nhà bảo tàng đó, tôi phát hiện là phải mua vé vào cửa. Không ngờ, anh bạn Mỹ của tôi nói với người canh gác cửa: “Tôi là hội viên hiệp hội nhà bảo tàng”, thế là người gác cửa cho chúng tôi đi. Tôi quá là kinh ngạc hỏi “Tại sao họ lại không kiểm tra thẻ hội viên của anh? Chỉ dựa vào một câu nói của anh mà tin ngay sao?” Anh bạn tôi nói “nếu không phải người hội viên thì không ai tự nhận bừa rồi”. Đương nhiên, anh bạn tôi xác thực là hội viên hiệp hội nhà bảo tàng.

Tôi làm nghiên cứu tiến sĩ tại bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng Metropolitan ở New York, ở đó tôi có giấy chứng nhận làm việc do bảo tàng cấp, dùng giấy chứng nhận này tôi có thể vào thăm bất kỳ bảo tàng nào ở Mỹ mà không cần phải trả tiền mua vé vào cửa.

Tôi mỗi lần dùng thẻ hội viên này vào một nhà bảo tàng nào đó, người giữ cửa luôn hỏi tôi: “Còn có người bạn nào đi cùng anh không?”, là ý muốn nói, sẽ cho người bạn đồng hành đi cùng đó được vào cửa miễn phí.

Sau này, tôi rời bỏ nghiên cứu bảo tàng và đi dạy học ở đại học. Một lần, tôi lại đến thăm một bảo tàng tại New York, lúc này tôi đã không còn có giấy chứng nhận nữa rồi. Nhưng tôi có quen một người làm công tác trong đó, nếu bảo họ ra ngoài đón tiếp thì tôi sẽ vẫn được miễn phí vé vào cửa. Nhưng tôi ngại phiền toái mà lại đúng lúc trong người cũng có mang theo danh thiếp cũ. Thế là tôi thử chút xem xem tâm ý họ thế nào? Tôi liền đưa tấm danh thiếp cũ của tôi cho họ (trên danh thiếp cũ không có ảnh tôi). Thật không ngờ, người bảo vệ lại cho tôi đi vào, lại còn hỏi tôi có bạn bè đi cùng không? Tôi thầm nghĩ, “như thế này cũng quá dễ dàng bị mắc lừa rồi à!”

Năm 2010, tôi làm việc tại bang Florida. Một ngày nọ, tôi và vợ tôi cùng đi đến công viên Disneyland ở Orlando chơi. Công viên Disneyland có quy định: Nếu là người không thuộc bang Florida (kể cả người nước ngoài) thì giá vé vào là 290 đôla/1 người. Người thuộc bang Florida giá vé là 99 đôla/1 người (bởi vì chúng tôi đã phải nộp thuế cho nhà nước rồi). Lúc đang mua vé vào cửa, tôi xuất trình chứng minh thư nhân dân để mua vé 99 đôla, nhưng vợ tôi thì lại quên giấy chứng minh nhân dân trên xe. Nếu mà quay trở lại xe để lấy giấy tờ thì tối thiểu cũng phải mất nửa tiếng bởi vì bãi đỗ xe đó rất rộng, phải ngồi xe của công viên chở mới có thể đi được. Tôi tiến lên gần người bán vé và nói: “Xin hãy tin tưởng tôi, đây là vợ tôi, chúng tôi đều là người địa phương.” Người bán vé tin ngay lời tôi nói, và đưa cho vợ tôi một tờ vé giá 99 đô la.

 

Để xe nôi ngoài bãi giữ xe

 

Tháng 3 năm 2015, gia đình chúng tôi đã đi đến một trang trại để chơi, cô con gái nhỏ của tôi rất thích động vật nhỏ. Đó là một ngày thứ 7, người đi trang trại chơi rất đông, tôi giúp con gái đẩy xe nôi, tất cả đồ đạc chúng tôi đem theo đều đặt trên đó, kể cả quần áo, đồ ăn trưa, đồ chơi của con gái v.v… Ở trước cổng vườn bách thú, tôi thấy rất nhiều xe nôi đều để ở đó, đồ đạc cũng đặt trên đó và tất cả đồ đạc để trên xe đều không hề bị xáo trộn. Bởi vì bây giờ thì tôi đã tương đối hiểu rõ về xã hội Mỹ Quốc. Hai giờ sau, tôi trở lại cổng lấy xe, phát hiện chỉ còn lại duy nhất chiếc xe nôi của tôi đậu ở đó, nhìn kỹ một chút, mọi đồ đạc để trên xe không thiếu đi một cái gì.

2. Mua đồ điện tử, quần áo mà không hài lòng sẽ được trả lại và hoàn lại tiền đầy đủ

Người Mỹ với nhau họ rất “dễ tin”, nó còn phản ánh hơn nữa ở bất kể cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ nào đều đặt danh tiếng lên trên hết. Khi mua đồ ở bất kể cửa hàng nào, ngoại trừ là đồ ăn và một số mặt hàng đặc biệt thì tất cả những mặt hàng khác đều được trả lại trong một thời gian nhất định và được hoàn lại đầy đủ tiền. Tôi đã từng trải qua nhiều lần chuyện như vậy rồi. Ví dụ, mua đồ điện tử, quần áo, giày dép hoặc là các thương phẩm khác. Về nhà dùng một lát, cảm thấy không tốt, cầm lại cửa hàng, đều cho trả lại. Có một lần, vì đứa con chơi bơi lội nên đã đi mua một ống khí quản, trả tiền xong lại quên cầm về nhà. Về đến nhà rồi, mới phát hiện để quên ở cửa hàng liền quay trở lại lấy. Đến nơi phát hiện họ đã mang đến bộ phận trả hàng để chờ tôi đến lấy.

Có thể có người sẽ hỏi, các cửa hàng đều như vậy, có thể sẽ tạo cho một số người lợi dụng sơ hở chăng? Sẽ có thể, nhưng số người lợi dụng sơ hở dù sao cũng là bộ phận cực nhỏ. Tôi đã từng nghe nói qua một ví dụ, có một nhóm học sinh nghèo người Mỹ muốn tổ chức một bữa tiệc đêm nhưng lại không có loa, thế là, chúng liền góp tiền đến cửa hàng mua một bộ loa tốt, sau khi bữa tiệc xong xuôi liền đem loa trả lại cửa hàng và được trả lại tiền. Kỳ thực, chủ cửa hàng cũng biết rõ là họ cố ý làm như vậy, nhưng vẫn mắt nhắm mắt mở, bởi vì về cơ bản đây đã là quy định của họ rồi, sẽ không chỉ vì một số cực ít người mà thay đổi được.

3. Đóng tài khoản ngân hàng chỉ bằng một cuộc điện thoại

Ở nước Mỹ xử lý công việc rất thuận lợi, rất nhiều việc có thể dùng điện thoại gọi đến để giải quyết. Tôi lúc đầu là thuê phòng và sau này là mua nhà, khai thông khí ga, điện nước, rác thải v.v… , cần phục vụ và thanh toán tiền phí dịch vụ, đều chỉ cần gọi điện thoại là xử lý xong. Những đơn vị phục vụ này khi nhận được điện thoại của tôi gọi, chỉ cần thẩm tra một lát danh tự của tôi, ngày sinh, mã số an toàn xã hội, địa chỉ gia đình, điện thoại… là được rồi. Hơn nữa, tôi nói với họ cái gì họ sẽ tin cái đó. Tôi thầm nghĩ, nếu mà có người ăn trộm những thông tin này của mình rồi giả mạo là mình thì sẽ thật là phiền toái, nhưng tôi chưa từng nghe thấy việc như thế xảy ra.

Điều mọi người không thể tưởng tượng được nhất là, gọi điện thoại còn có thể đóng được tài khoản ngân hàng. Tôi đã từng làm việc ở Bắc Carolina và mở một tài khoản tại ngân hàng ở đó, sau này lại chuyển đến Missouri, trong tài khoản đó của tôi có 5.000 đôla, không ngờ đầu năm nay Ngân hàng đó gửi thư tới yêu cầu tăng thêm phí phục vụ hàng năm, tôi cảm thấy như thế không có lợi cho mình nên muốn đóng tài khoản đó. Nhưng tôi lại không thể đi tới Bắc Carolina được, thế là tôi thử gọi điện tới đó yêu cầu đóng tài khoản xem có được không. Sau khi ngân hàng đối chiếu những thông tin cơ bản của tôi rồi nói: “Xin bạn hãy yên tâm, chúng tôi sẽ đem tất cả số tiền mà bạn sở hữu làm thành một tờ chi phiếu, nội trong một tuần chúng tôi sẽ gửi chi phiếu đó đến nhà bạn”.

Quả nhiên, trong một tuần tôi nhận được tờ chi phiếu đó, số tiền ghi trên chi phiếu không sai chút nào, tôi ngỡ như mình ở trong mơ vậy. Tôi thầm nghĩ, nếu như có kẻ lấy trộm thông tin của mình thì liệu số tiền kia có còn không?

4. Người Mỹ cho rằng nói dối còn xấu xa hơn là trộm cắp

Những ví dụ tôi đã kể phía trên, không có nghĩa rằng tôi muốn nói nước Mỹ là một đất nước “ban đêm không cần đóng cửa nhà, không nhặt của rơi trên đường”. Nước Mỹ cũng có những phần tử lừa đảo và trái pháp luật đủ loại, nhưng nói chung, nước Mỹ là một đất nước rất coi trọng danh dự. Mọi người hầu hết tin tưởng lẫn nhau, bởi vì trong con mắt của người dân Mỹ thì những hành vi lừa đảo còn xấu xa và tồi tệ hơn cả trộm cắp. Bởi vì trộm cắp có thể là hành vi nhất thời nhưng lừa gạt là bộc lộ rõ bản tính của một người. Một người một khi đã đánh mất lòng tin ở người khác thì sẽ rất khó khăn để xây dựng lại danh dự của mình. Không chỉ có cá nhân mới như vậy mà các đơn vị và các công ty cũng đều như vậy. Một cửa hàng khi bị phát hiện là bán hàng giả thì không chỉ bị phạt tiền gấp hàng trăm lần giá trị hàng đó, mà còn nghiêm trọng hơn là hành động đó bị lan truyền đi thì chỉ còn cách đóng cửa mà thôi.