Người Việt tại Úc nhọc nhằn xây giấc mơ định cư xứ người
Nhờ chính sách nhập cư được cho là không quá khó như nhiều nước phát triển khác, không ít người đã thực hiện được giấc mơ. Tuy nhiên, đối với phần đông, giấc mơ đó nhanh chóng tan như bong bóng xà phòng chỉ sau một thời gian ngắn sống ở Úc.
Được sống và trở thành công dân Úc đến nay vẫn là mơ ước của biết bao người ở Việt Nam nhưng phía sau giấc mơ xứ người đó là biết bao nỗi niềm.
Nhiều người tìm mọi cách để được sang định cư ở “xứ sở chuột túi” bằng các hình thức như du học, đầu tư kinh doanh, hôn nhân, người nhà bảo lãnh… Nhờ chính sách nhập cư được cho là không quá khó như nhiều nước phát triển khác, không ít người đã thực hiện được giấc mơ. Tuy nhiên, đối với phần đông, giấc mơ đó nhanh chóng tan như bong bóng xà phòng chỉ sau một thời gian ngắn sống ở Úc.
Không thể phủ nhận, Úc với nền kinh tế phát triển cùng thiên nhiên ưu đãi nên tạo cho người dân một cuộc sống trù phú, sung túc, hiện đại và dễ chịu. Khí hậu trong lành, sạch sẽ, an toàn, an sinh xã hội tốt, y tế tốt, một nền giáo dục nổi tiếng… Úc từ lâu đã là miền đất lành thu hút giới tỷ phú thế giới và là điểm đến mơ ước của dân di cư.
Cuộc sống được hiểu theo đúng nghĩa đen của từ “hưởng thụ”. Nhưng từ đó là để dành cho giới thượng lưu giàu có, giới doanh nhân, những công chức thu nhập cao, chứ không dành cho những di dân có tay nghề thấp.
Cộng đồng người Việt tại Úc cộng đồng di dân lớn thứ 6 ở Úc với trên 330.000 người. Những người Việt đầu tiên định cư ở Úc từ năm 1975, trong đó có nhiều sinh viên du học theo chương trình học bổng Colombo (gần 500 người).
Những người này cùng số sinh viên sang làm thạc sỹ, tiến sỹ rồi được giữ lại công tác sau này được cho là những người Việt may mắn, thành công nhất vì họ vừa có tiếng Anh, có trình độ, bằng cấp chuyên môn, nghề nghiệp ổn định, lương cao.
Còn lại, đa số là dân di tản, vượt biên sau năm 1975, những năm đầu thập niên 1980 và sau này là diện đoàn tụ gia đình, kinh doanh và sinh viên định cư lại dưới dạng lao động có tay nghề với những ngành nghề mà Úc cần.
Úc rất thiếu những lao động chân tay như thợ mộc, thợ nề, thợ xây, thợ hàn, nấu ăn, làm bánh, làm tóc, đánh móng chân tay, rửa bát, giúp việc, hái quả, cắt cành cây…, Trong khi đó, người Việt lại thường làm những ngành nghề như vậy, lại cộng sẵn tính chăm chỉ, siêng năng, cần cù chịu khó, nên chẳng ai thất nghiệp khi sống ở đây.
Việc nhiều cộng với mức trả tối thiểu cho lao động 1 giờ là 17,5 AUD (khoảng 300.000 đồng), đối với lao động ở Việt Nam thì quả là thiên đường. Thế nhưng, sống ở một đất nước có mức sống cao với thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP ở Úc là trên 56.000 USD/năm, cao thứ 10 thế giới theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cuộc sống lao động chân tay của người Việt không dễ như nhiều người vẫn tưởng.
Họ phải buôn bán, nhọc nhằn mưu sinh, oằn lưng từ sáng tới tối bởi kiếm tiền rất dễ nên ham và chủ yếu là để đủ trang trải cho các khoản sinh hoạt phí rất cao hàng ngày, những hóa đơn tiền nhà, điện, nước, xăng xe, thuế các loại, bảo hiểm nhà, xe, cầu đường…phải đóng theo tuần, tháng, năm.
Chị Hạnh, một Việt kiều ở khu Marrickville, Sydney 10 năm nay cho biết trung bình một gia đình 4 người (2 vợ chồng + 2 con) như nhà chị thì hai vợ chồng phải kiếm được trên 1.000 AUD/tuần (trên 17 triệu đồng) mới gọi là tạm đủ bởi riêng tiền thuê nhà đã mất 500-700AUD/tuần, chưa kể muốn kiếm thêm để gửi về cho người thân ở quê nhà. Thế nên ai cũng lao đi làm, ít nhất là một công việc khoảng 5-8 tiếng/ngày với thu nhập trung bình trên 100 AUD (1,7 triệu đồng).
Có người nhận tới 2-3 công việc, kiếm được 200-300 AUD/ngày. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ bị vắt kiệt sức lực, về đến nhà chỉ muốn lăn ra ngủ, không có thời gian cho gia đình, bạn bè chứ chưa nói đến hưởng thụ cuộc sống.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi bạn nghe những chuyện như có người sang đây mấy chục năm mà không biết Cầu cảng, nhà hát Con sò nổi tiếng ở Sydney hình thù như thế nào, hay có người hoàn toàn không biết tiếng Anh bởi chỉ quanh quẩn sống, làm việc, ăn uống, vui chơi ở khu vực sinh sống của cộng đồng người Việt.
Nhiều người Việt hay sinh viên sang đây làm những nghề lao động chân tay nhưng lại không được đào tạo hay có văn bằng chuyên môn, tiếng Anh không giỏi, nên ban đầu vì nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống thường bị chủ là những người châu Á bóc lột về thời gian, trả tiền công thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu quy định.
Anh Hảo, quê Nam Định được người nhà bảo lãnh sang làm bốc vác cho một cửa hàng tạp hóa lớn ở Cabramatta, khu tập trung đông nhất cộng đồng người Việt ở Tây Sydney, cho biết mới sang được 3 tháng, công việc rất vất vả, mỗi ngày làm những 10 tiếng và mỗi tiếng chỉ được trả 10 AUD.
Anh tâm sự dù vất vả và được trả thấp nhưng vẫn còn khá hơn nhiều so với ở quê nhà và hy vọng khi có thêm kinh nghiệm sẽ được chủ trả cao hơn. Để có tiền gửi về gia đình, anh phải ở thuê chung phòng với một người khác trong ngôi nhà của người bà con với giá 300AUD/tuần, ăn uống tiết kiệm…
Năm ngoái ở Melbourne, thành phố có đông người Việt thứ hai ở Úc sau Sydney, ầm ĩ chuyện du học sinh Việt Nam bị bóc lột với mức tiền công chỉ 9AUD/giờ khi đi làm thêm ở các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng rau quả…
Chuyện đó là có thật, người trong cuộc hay bất cứ ai sống ở đó cũng biết tình trạng đó, nhưng họ đều phải chấp nhận bởi giờ "cầu nhiều hơn cung", người tìm việc ngày càng nhiều, trong khi số việc làm mới không tăng mấy và để sống sót ở thành phố đắt đỏ như vậy, không thể một ngày không đi làm.
Đó là chưa kể vì giấc mơ định cư nơi xứ người mà biết bao người bị lừa tiền, bị bắt giữ, phải tù tội. Nhiều ông chủ, luật sư gốc Á nắm bắt tâm lý, mong muốn của người châu Á nên đã lợi dụng kẽ hở của Luật di trú nước sở tại để trục lợi, hứa hẹn bảo lãnh, ngầm buôn bán visa bất hợp pháp, lừa đảo góp vốn lập công ty hay kết hôn giả để được định cư, đưa vào làm chui ở các trang trại và cả những nhà trồng cần sa bí mật…
Biết vất vả thế, mạo hiểm thế, nhưng ai cũng đều cố gắng, nỗ lực với cái "tặc lưỡi" rằng vì thế hệ sau nên phải hy sinh, ai cũng hy vọng con cháu mình được sinh ra, lớn lên, được học hành ở môi trường này sẽ thành danh, hết vất vả.