Làm thêm bước này, gà luộc da vàng ươm, không nứt: Đặt lên mâm cỗ Tết là đúng chuẩn, các cụ ưng bụng
Để có đĩa thịt gà luộc đẹp mắt đặt lên mâm cỗ cúng vào ngày Tết, bạn không thể bỏ qua những bí quyết sau.
Để có đĩa gà luộc ngon, bạn phải chọn được con gà sống tươi, khỏe. Nên lựa gà ăn thóc, khoai, ngô. Gà "chạy bộ", gà thả đồi thì càng tốt.
Gà dùng để làm lễ cúng, nhất là cúng giao thừa tốt nhất là gà trống hoa, luộc lên bày nguyên con vừa đẹp vừa thể hiện sự tươm tất. Trong mâm cúng bình thường cũng có thể dùng gà mái, chặt miếng nhưng sẽ không đẹp bằng gà trống nguyên con.
Đặt gà luộc phải đúng
Thông thường, khi luộc gà, mọi người có thể không chú ý đến việc đặt con gà vào nồi như thế nào cho đúng mà chỉ cần bỏ vừa nồi là được. Tuy nhiên, gà luộc nên đặt úp bụng xuống đáy nồi. Đặc biệt, nếu buộc gà cánh tiên thì đặt gà úp bụng xuống đáy nồi sẽ giúp định hình tạo hình gà tốt hơn. Bụng gà úp xuống phía dưới cũng giúp gà nhanh chín hơn. Ngoài ra, nếu muốn quét tạo màu lên phần lưng gà cũng dễ dàng hơn.
Chọn nồi kích thước hợp lý
Nếu không sử dụng nồi có kích thước đủ lớn, một phần con gà bị nhô lên khỏi mặt nước thì phần da gà dễ bị căng và rách. Ngoài ra, phần da không ngập nước cũng dễ bị thâm đen, không đẹp mắt.
Do đó, bạn nên chọn nồi đủ lớn để đặt vừa con gà và đổ ngước ngập toàn bộ con gà để thịt chín đều, da căng và không bị rách hay thâm đen.
Nhiệt độ luộc gà
Đây là yếu tố quan trọng giúp gà chín mà không bị rách da. Không nên để lửa quá to trong lúc luộc gà. Khi đặt gà lên bếp, bạn có thể bật lửa lớn để nước sôi. Khi nước sôi thì phải hạ nhỏ lửa để gà chín từ từ.
Tạo màu tự nhiên cho gà
Khi sơ chế thịt gà, bạn có thể tách phần mỡ ở bụng gà và đem rán để lấy mỡ nước. Trộn phần mỡ nước này với bột nghệ hoặc nước nghệ tươi hay bột dành dành rồi quét lên da gà để gà có màu vàng đẹp.
Thêm gia vị cho gà luộc
Khi luộc gà, bạn có thể thêm một số nguyên liệu như gừng thái lát, hành đập dập để gà được thơm ngon hơn.
Chọn cách luộc gà cho phù hợp
Bạn có thể chọn một trong hai cách luộc gà dưới đây.
Cách thứ nhất
Bạn cần đun một nồi nước. Trong khi chờ nước sôi, bạn hãy chuẩn bị một tô nước lạnh đủ lớn để ngâm gà. Khi nước nóng lên khoảng 60 độ C (thấy nước bốc hơi) thì cho gà vào nồi. Cách này sẽ giúp da gà săn lại ngay, ít bị rách da. Đun lửa vừa cho tới khi nước sôi lăn tăn thì vớt gà ra cho vào chậu nước lạnh ngâm khoảng 10 giây. Sau đó, lại cho gà vào nồi nước nóng khoảng 10 giây thì vớt ra ngâm trong bát nước lạnh. Làm như vậy khoảng 3 lần để da gà căng.
Sau cùng, cho gà vào nồi nước, hạ nhỏ lửa và đun sôi trong khoảng 5-10 phút. Tiếp đó, hãy tắt bếp và đậy kín vung nồi, om gà trong nồi thêm 15 phút là được.
Gà sau khi đã luộc chín thì vớt ra ngâm vào chậu nước đá cho phần da se se lại, thịt gà mềm mọng, da căng mà không bị rách.
Khi gà nguội thì bày lên đĩa.
Cách thứ hai
Cho gà đã sơ chế vào nồi, đổ nước cho ngập con gà. Bật bếp và đun sôi. Khi nước sôi nên hạ nhỏ lửa để gà chín từ từ và không bị rách da. Luộc gà trong khoảng 10-15 phút. Sau đó, hãy tắt bếp và đậy vung để ủ gà thêm khoảng 30 phút. Làm như vậy bên trong con gà sẽ chín hoàn toàn.
Khi gà chín thì vớt ra ngâm trong bát nước đá cho da săn lại.
Nếu gà ta ngon, được ăn ngô thóc thì da sẽ có màu vàng đẹp. Nếu muốn gà có da vàng óng, căng bóng đẹp mắt hơn thì bạn có thể quét mỡ gà pha nghệ/bột dành dành như đã nói ở trên.