Đằng sau đồng USD Việt kiều Mỹ gửi về - Kỳ 4: Lăn lóc bưng bê, chợ búa
“Phi thương bất phú”, đi sau người Hoa, có rất nhiều người Việt sang đây cũng mở siêu thị, nhà hàng nhộn nhịp. Đó không phải là nghề duy nhất ở Mỹ. Miễn kiếm được tiền, người Việt làm ở chợ, bưng bê, trông trẻ lậu...
Từ chợ...
Nếu California có Little Saigon, Houston có nguyên khu Bellaire sầm uất, Boston có Dorchester nhộn nhịp, thì vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn có trung tâm thương mại Eden (Falls Church, Virginia) mô phỏng theo chợ Bến Thành với rất nhiều tiệm hớt tóc, tiệm vàng, nhà hàng, đồ lưu niệm hay thức ăn nhanh.
Là nơi để gần chục ngàn người Việt vùng thủ đô tụ tập về tìm chút hương vị quê hương của ngày tháng cũ.
Người Việt ở Mỹ thường hay nói đùa, ở Việt Nam thì tuổi Tý, Sửu, Dần, Mão, Thân, Dậu, Tuất, Hợi này nọ, chứ qua đây rồi thì ai cũng chỉ có mỗi tuổi con… Trâu.
Cách nhà tôi không xa là khu chợ Angkor (gọi nôm na là chợ Miên) do người Cambodia mở. Chợ nhỏ xíu, dơ hầy, chật chội, nhưng lúc nào cũng đông nghẹt khách, mà chủ yếu là người Việt tới mua sắm mới ghê.
Hơn hai mươi năm nay, bao nhiêu khu chợ chung quanh mở ra, rồi dẹp tiệm, nhưng chợ Miên vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” mãi tới tận bây giờ.
Tuần nào, hầu như tôi cũng ghé chợ ít nhất hai lần (ở Mỹ có thói quen cuối tuần đi chợ về bỏ tủ lạnh ăn một lèo cho hết rồi đi mua tiếp). Lúc thì mua tí rau, tí giá, lúc thì mua con cá, miếng thịt ba chỉ tươi rói.
Đã định sẵn ngày cưới nhưng vì tai nạn giao thông (TNGT) nên chú rể đột ngột qua đời. Thế nhưng cô dâu N.T.A.Th. (18 tuổi, ngụ Long An) vẫn quyết định tổ chức đám cưới dù chỉ có một mình trong ngày trọng đại.
Chị bạn tôi thì giỏi hơn, ghé… mỗi ngày. Cứ hết đồ là xách xe chạy đi mua cho tươi, cho sống. Đi nhiều, nên cũng quen mặt với các dì, các cô trong chợ. Nhiều bữa (chắc do bực chủ), họ than, phải đứng lựa rau, xắt thịt, ướp cá, chiên bánh mỗi ngày suốt 12 tiếng đồng hồ không ngơi tay.
Theo lý giải của họ bởi chợ nhỏ, người chủ ngồi chần dần đó, hễ thấy họ đứng không là liếc, là nhìn. Nên tránh ánh mắt soi moi, họ phải làm hết chuyện này, chuyển qua chuyện khác. Hết lặt rau tới xắt khổ qua, lượm giá, họ lại bó hành, gói ớt, rồi đi lòng vòng lau chùi, dọn dẹp.
Làm nhiều vậy mà lương đâu có cao, lại trả nửa tiền mặt, nửa ngân phiếu. Cực thí mồ. Nhưng ai cũng ráng làm. "Làm để gửi ít tiền (lại gửi!) về cho tụi nhỏ. Giấy tờ apply mấy năm rồi, chắc tụi nó cũng sắp sang đây", một người cho biết.
Chợ là nơi để gần chục ngàn người Việt vùng thủ đô tụ tập về tìm chút hương vị quê hương của ngày tháng cũ. |
Bưng bê nhà hàng...
Nghề phục vụ nhà hàng thu hút khá nhiều người trẻ, chủ yếu là sinh viên kiếm thêm hay các du học sinh đi làm chui (sau vụ 11.9, chính phủ cấm sinh viên quốc tế đi làm thêm ở ngoài. Họ cho phép sinh viên quốc tế mang F-1 visa được làm thêm trong trường không quá 20 tiếng trong kì học và 40 tiếng khi nghỉ hè hoặc đông).
Nhân viên phục vụ nhà hàng ở Mỹ sống chủ yếu bằng tiền tip. Bởi lương chỉ khoảng $2/giờ. Mặc dù không có luật lệ cố định là bao nhiêu phần trăm cho mỗi bữa ăn, nhưng khi đi các nhà hàng Mỹ, khách thường trả thêm ít nhất là 15% - 20% tổng tiền bữa ăn cho người phục vụ (có nhà hàng quy định, nếu bàn ăn có trên 6 khách, họ sẽ tính thẳng 18% tiền tip vào hóa đơn).
Nhà hàng Việt thì không có quy định rõ ràng, khách để tiền tip theo… cảm hứng. Nếu phục vụ tận tình, chu đáo thì họ cho nhiều; qua loa thì cho ít; ghét thì không cho một xu teng. Nhiều lúc gặp khách trời ơi đất hỡi, ăn cả trăm đô, tip có… hai đồng (2 USD). Đành ngậm đắng nuốt cay, chửi thầm trong bụng. Chứ chẳng dám phàn nàn này nọ.
Có nhà hàng tiền tip của bàn nào, thì nhân viên đấy lãnh (sau khi chia một phần cho nhân viên phụ bếp, rửa chén). Có chỗ cứ cộng hết rồi chia đều. Minh, bạn tôi, lúc mới ra trường, trong khi chờ gọi phỏng vấn ở các công ty tài chính, cũng đi làm phục vụ trong một nhà hàng Việt (nhưng chủ yếu là khách Mỹ).
Minh khoe, có tháng kiếm được gần $4,000, đã lắm. Nhưng bù lại, phải làm ngày làm đêm. Chạy lên chạy xuống, bưng dọn không biết bao bận. Nhiều bữa đi làm về, hai chân tê cứng vì phải đứng quá nhiều. Nhưng thôi ráng chứ biết sao giờ. Lúc lãnh lương, mắt sáng rỡ, quên hết đi mệt nhọc.
... tới trông trẻ
Ở Mỹ, các chị, các dì còn có thể kiếm tiền bằng nghề babysit (đọc rút gọn từ babysitter – giữ trẻ) nữa.
Đặc biệt là các chị có một hai con. Chồng thương hổng cho đi làm, bắt ở nhà giữ con. Hay các dì, các bà được con cái bảo lãnh sang, một mặt để gần con cái, mặt khác giữ cháu giùm.
Sẵn tiện, các dì các chị mở một “trung tâm” nho nhỏ, rồi bà con truyền miệng nhau, mang tới giữ kiếm thêm. Tất nhiên là làm bất hợp pháp. Vì để mở một cơ sở giữ trẻ em ở Mỹ, phải nói là nhiêu khê.
Cơ sở phải có đủ các loại permit, license (giấy phép), rồi vượt qua rất nhiều công đoạn inspection (kiểm tra) của quận, của Fire department (sở chữa cháy). Rồi các cô giáo cũng phải có bằng cấp đàng hoàng mới được trông trẻ.
Nhưng thôi, cứ cầu trời cho đứa trẻ không có chuyện gì xảy ra. Lỡ té ngã này nọ, dân Mỹ kiện ra tòa, chứ Việt Nam thì du di, tha thứ cho nhau. Cực thì có cực, nhưng cũng kiếm được rất nhiều tiền.
Còn không mua báo về đọc mấy mẩu quảng cáo cần người trông trẻ, giúp việc, bao ăn, bao ở, mỗi tháng cũng kiếm hơn hai ngàn bạc. Ở Việt Nam tuổi đó, làm sao kiếm được số tiền lớn như vậy.